Vô thường là từ phổ biến thường được nhắc tới không chỉ trong quá trình tìm hiểu, tu học Phật Pháp mà còn trong đời sống hàng ngày. Chính vì cuộc sống vô thường như thế cho nên việc tìm hiểu về vô thường là điều vô cùng quan trọng và đặc biệt cần thiết đối với tất cả chúng ta. Dưới đây là nội dung cơ bản nhằm giúp quý độc giả hiểu được vô thường nghĩa là gì, quan điểm về vô thường trong Phật giáo và ý nghĩa vô thường trong đời sống, hãy chú ý theo dõi nhé.
Contents
Cuộc sống vô thường là gì?
“Vô” nghĩa là không, còn “thường” là vĩnh hằng, mãi mãi không mất. Hiểu một cách đơn giản, vô thường nghĩa là không còn mãi, không vĩnh hằng. Trong nhà Phật, cụm từ “vô thường” được sử dụng để chỉ sự luôn luôn biến động, thay đổi từ sinh cho đến diệt của vạn sự và vạn vật ở trong thế gian.
Ngoài ra, vô thường trong Phật giáo còn được biết tới là một trong Tam Pháp ấn hoặc Tứ Pháp ấn. Theo đó, Tam Pháp ấn gồm có: Vô thường, khổ, vô ngã. Còn Tứ Pháp ấn bao gồm: Vô thường, khổ, vô ngã và niết bàn.
Quan điểm về vô thường trong Phật giáo
Theo lời Đức Phật dạy, thế gian gồm có thân, tâm và cảnh giới xung quanh chúng ta. Để hiểu hơn về lý do nói “thế sự vô thường là gì” chúng ta cùng tìm hiểu qua nội dung dưới đây.
Thân vô thường
Thân thể chúng ta biến đổi hàng ngày và không có bất kỳ ai có thể kìm lại sự biến đổi đó được; trạng thái này trong Phật giáo được gọi là thân vô thường. Thân này của chúng ta theo quy luật sinh ra – già đi – mắc bệnh – chết.
Ngày còn nhỏ, chúng ta sinh ra chỉ nặng khoảng 2 đến 3kg nhưng khi trưởng thành rồi dần già đi, trở thành một ông già hay bà lão thì chúng ta cũng lại khác rất nhiều so với lúc còn nhỏ: da trở nên nhăn nheo, tóc đã bạc, mắt mờ,… Dù có muốn giữ cho thân thể này trẻ mãi cũng không có cách nào được.
Khi nhìn lại những tấm ảnh lúc nhỏ, thậm chí chỉ vài năm trước đây so sánh với hiện tại, chúng ta có thể dễ dàng để nhận thấy sự biến đổi về mặt hình tướng của mình. Sự biến đổi đó đang diễn ra theo từng ngày, từng giây, từng giờ, từng phút mà nhà Phật gọi là từng sát na.
Tâm vô thường
Tâm chúng ta cũng đều vô thường. Lúc bé chúng ta có những suy nghĩ, sở thích khác, lớn lên rồi mọi suy nghĩ của lúc bé cũng hoàn toàn thay đổi. Ví dụ như hồi nhỏ rất thích ăn kẹo, ăn kem… Nhưng đến năm 60 tuổi chúng ta lại không thích đồ ăn ngọt, thậm chí nhìn thấy đồ ngọt là sợ.
Về tình cảm, tâm tư cũng tương tự. Có những khi buổi sáng thì yêu thích, buổi chiều lại trở thành ghét bỏ. Vui rồi lại buồn, giận rồi lại thương, thích rồi lại chán, sướng rồi khổ, muốn rồi không muốn. Nếu quan sát thật kỹ thì chúng ta nhận thấy tâm của chúng ta thay đổi liên tục suốt cả ngày mà đến chính chúng ta cũng không làm chủ được những cảm xúc đó.
Cảnh giới vô thường
Cõi đời chúng ta sống cũng không lâu bền, có rồi lại mất. Tất cả đều phải chịu sự biến đổi của vô thường. Ví dụ quần ống loe từng được coi là mốt, ai mặc quần ống loe cũng cảm thấy chiếc quần đó rất đẹp. Nhưng hiện tại, nhiều người lại không thấy quần ống loe là đẹp nữa, thay vào đó là những loại khác như quần ống đứng, quần ống côn,…
Từ đây, chúng ta thấy rằng mọi điều từ thân, tâm cho tới cảnh quanh chúng ta đều thay đổi liên tục. Quả thật nếu chúng ta không bình tâm xem xét thì không thể nhận ra được điều đó.
Cấu tạo của vạn sự vạn vật không bền chắc
Đức Phật dạy rằng vạn sự, vạn vật đều là do nhân duyên giả hợp mà thành. Thân của chúng ta cũng là do từng tế bào hợp lại mà ra. Ngôi nhà thành được cũng là nhờ sự kết lại của từng phân tử. Các sự vật, sự việc cũng như vậy, đều có rất nhiều thành tố hợp lại.
Tuy nhiên theo lời Đức Phật thì duyên hợp lại không trụ vào bất cứ điều gì và vì không trụ như vậy nên các sự vật, sự việc không có điểm nào để bám vào. Thứ nữa, thế giới này được cấu tạo bởi các phân tử và rất nhiều loại hạt khác nhau, giữa các hạt ấy đều chuyển động liên tục.
Vậy nên, với sự tư duy chúng ta hiểu rằng do cấu tạo của vạn sự, vạn vật đều là trống rỗng. Cùng với đó thì các thành phần cấu tạo nên vạn sự và vạn vật cũng chuyển động liên tục. Mối liên kết của các thành phần cấu tạo nên đều rất lỏng lẻo nên phải biến đổi, phải trượt đi, phải thay đổi và chính sự thay đổi đó cho nên thế gian vô thường.
Ý nghĩa quy luật vô thường trong đời sống
Nhờ ánh sáng của Phật Pháp, chúng ta hiểu rằng vô thường là lẽ tự nhiên và không phải Đức Phật hay vị Thần thánh nào tạo ra được quy luật vô thường. Tất cả các pháp, vạn vật trên thế gian đều đang vô thường, biến dịch, đi đến chỗ biến hoại.
Từ trời mây, non nước, cỏ cây, muông thú, cho đến con người đều đang chịu luật vô thường, biến dịch trong từng khắc. Trái đất chúng ta sống đang vô thường trong từng giây từng phút. Cụ thể là động đất, sóng thần có thể bất ngờ xảy ra. Chúng ta phải dũng cảm nhìn vào sự thật và cần tư duy quán chiếu sâu sắc về vô thường. Bởi khi chúng ta thật sự tu tập vô thường thì sẽ mang lại rất nhiều ý nghĩa cho cuộc sống.
Tự tại trong cuộc sống
Ví dụ, chúng ta nhìn các đồ vật như xe máy, tivi, ngôi nhà,… thì nghĩ chúng sẽ vẫn mãi không thay đổi, nhưng không thể ngờ chúng đang âm thầm biến đổi, rồi đến một ngày nào đó, xe máy sẽ nổ lốp, tivi sẽ bị cháy màn hình, tường nhà có thể bị hỏng,…
Thân thể chúng ta cũng vậy, chúng ta cứ nghĩ nó hoàn toàn ổn, nhưng không biết rằng, nó đang âm thầm biến đổi đến một ngày nào đó cơ thể xuất hiện khối u, chúng ta thấy rất đau thì mới biết rằng thân thể mình thay đổi.
Kể cả tâm chúng ta, nhiều người cứ nghĩ người yêu hiện tại sẽ mãi yêu thương mình, nhưng không biết rằng, khi đối phương gặp duyên mới khiến tâm họ thay đổi, họ cũng sẽ không còn thương yêu mình nữa.
Chúng ta suy nghĩ mọi thứ là có thật, không thay đổi chính là chấp thường, đạo Phật gọi đây là sự mê chấp. Chính vì nghĩ mọi vật không thay đổi, cho nên khi có sự thay đổi, chúng ta sẽ bị bất ngờ và đau khổ. Nếu chúng ta có tư duy để hiểu thấu và nằm lòng lời Phật dạy về vô thường thì khi gặp cảnh duyên thay đổi, chúng ta sẽ được tự tại trước mọi sóng gió, không bị đau khổ.
Bên cạnh đó, khi chúng ta biết rằng mọi thứ sẽ vận động thay đổi, chúng ta có chính kiến về vô thường, biết đánh giá, đặt mọi sự vật, hiện tượng trong sự vô thường biến đổi thì chúng ta có thể có nhiều phương án hay biện pháp để ứng đối khi sự vật hiện tượng thay đổi.
Người nào cứ nghĩ mọi thứ sẽ đứng yên thì người ấy sống cứng nhắc, bảo thủ và chấp trước, không linh hoạt để thay đổi, ứng biến, không có trí tuệ.
Trân quý hơn những giây phút đang sống
Chúng ta biết rằng sinh mạng này rất ngắn ngủi, ai rồi cũng phải từ giã cõi đời. Thứ nữa nếu không tranh thủ thời gian để tu tập thì khi mất đi thân người muôn kiếp khó được lại. Như vậy chúng ta cần sống thật sâu sắc từng ngày, từng giờ.
Trong kinh, Đức Phật dạy rằng: “Một tấc thời gian, một tấc vàng”. Chúng ta xuất hiện ở đời này là một điều kỳ diệu, rất đáng trân quý. Vậy nên, hiểu được về cuộc đời vô thường là gì thì mỗi người nên biết trân quý khoảng thời gian mà mình còn hiện hữu, phải sống làm sao cho có ý nghĩa cũng như làm được nhiều việc tốt đẹp nhất cho đời.
Thành tựu trong tu tập
Vô thường diệt đi tất cả những gì đã sinh ra trên thế gian này. Nhưng nhờ tư duy về vô thường mà chúng ta sẽ kiên định niềm tin hơn vào con đường Phật Pháp và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hành nhân quả. Qua đó biết sống, tu tập để chuyển hóa điều xấu thành điều tốt, điều dở chuyển thành hay, điều chưa hoàn thiện sẽ chuyển thành hoàn thiện. Đây chính là một mặt ý nghĩa đầy tích cực của vô thường.
Không những thế theo lời Đức Phật dạy, nếu ai chăm chỉ quán sát về lẽ vô thường thì chúng ta còn có thể đoạn trừ tham ái, từ đó ra khỏi con đường luân hồi sinh tử mà đi đến chỗ Niết Bàn thật an vui, hạnh phúc.
Mong rằng qua những nội dung vừa rồi, quý độc giả đã hiểu hơn về ý nghĩa vô thường là gì trong đạo Phật. Từ đó mà quan sát về sự vô thường của mình cũng như mọi sự mọi vật trong thế gian để biết bằng lòng với hiện tại, không bị đau khổ khi mất đi và tự tại trước mọi sóng gió của cuộc đời. Chúc các bạn an vui và không để thời gian trôi qua một cách vô ích.