Hiện nay tình trạng đất bị nhiễm mặn ngày càng cao gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây trồng. Vậy đất mặn là gì? Nguyên nhân đất mặn là gì? Cách cải tạo và sử dụng đất mặn như thế nào? Hãy cùng với chúng tôi tìm hiểu chi tiết về loại đất này nhé!
Contents
Đất mặn là gì?
Đất mặn là loại đất có chứa nhiều muối hòa tan (1 – 1,5% hoặc hơn). Những loại muối tan thường gặp trong đất đó là: NaCl, Na2SO4, MgCl2, CaCl2, CaSO4, NaHCO3… Những loại muối này có nguồn gốc khác nhau: nguồn gốc lục địa, nguồn gốc biển hoặc nguồn gốc sinh vật học… Tuy nhiên nguồn gốc nguyên thủy của nó là từ các thành phần khoáng của đá núi lửa. Trong quá trình phong hóa đá, những muối này sẽ bị hòa tan và di chuyển tập trung ở những dạng địa hình trũng, không thoát nước.
Ở vùng nhiệt đới mưa nhiều như nước ta thì sự phong hóa đá xảy ra mạnh mẽ. Những loại muối khó tan như CaCO3, CaSO4… cũng sẽ bị hòa tan và rửa trôi ra sông, ra biển.
Đặc điểm của đất mặn là:
– Có thành phần cơ giới nặng, tỉ lệ sét từ 50% – 60%, thấm nước kém. Khi ướt thì dẻo, dính. Khi khô thì co lại, nứt nẻ, rắn chắc nên khó làm đất.
– Đất có chứa nhiều muối tan dưới dạng NaCl, Na2SO4 nên áp suất thẩm thấu của dung dịch đất lớn, gây ảnh hưởng đến quá trình hút nước và chất dinh dưỡng.
– Đất mặn có phản ứng trung tính hoặc kiềm yếu.
– Đất nghèo mùn, nghèo đạm.
– Hoạt động của các vi sinh vật trong đất yếu.
Nguyên nhân hình thành đất mặn
Có rất nhiều nguyên nhân khiến đất bị mặn. Tuy nhiên có 2 nguyên nhân chính dẫn đến hình thành đất mặn:
Sự tác động của con người
– Việc con người sử dụng nước đầu nguồn quá mức sẽ làm cho mực nước ở các sông thấp xuống. Từ đó dẫn đến đất bị nhiễm mặn do nước biển xâm lấn sâu vào trong nội địa.
– Do quá trình sống cũng như canh tác của con người đã gây tác động đến các đặc tính tự nhiên của đất.
– Ngoài ra thì muối cũng có thể được tích tụ do tưới tiêu không hợp lý của con người. Nguyên nhân là do nước thường được lấy trực tiếp từ sông và thường chứa một lượng lớn muối khoáng. Khi tưới, vì một lý do nào đó hoặc do tưới quá nhiều mà lượng muối này không được cây trồng sử dụng hết, lại không bị rửa trôi đi nơi khác nên sẽ tích lại và làm cho đất ngày càng bị nhiễm mặn.
Sự tác động từ thiên nhiên
– Phong hóa vật lý (sự phá hủy đá thành các khối vụn có kích thước to hoặc nhỏ khác nhau) và trầm tích địa lý (nước ngầm tạo ra tích tụ muối trong đất) gây ra tình trạng đất mặn.
– Bên cạnh đó, sự xâm nhập nước mặn khiến cho hàm lượng natri, đa phần là natri clorua (muối ăn) tích tụ trên bề mặt đất gia tăng làm cho đất bị nhiễm mặn. Bởi khi đất nhiều natri thì sẽ hạn chế khả năng thấm nước và thoát nước dẫn đến muối bị tích tụ nhiều.
– Ngoài ra, đất bị nhiễm mặn còn do các nguyên nhân như: nước biển dâng cao, chảy theo các đường sông và nước ngầm vào sâu trong nội địa. Ở những vùng đất khô hạn việc không thoát hơi được hoặc không có mưa xuống để rửa trôi đất nên lâu dần đất bị nhiễm mặn.
Tác hại của đất mặn là gì?
Đất mặn ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng
Đất bị dư thừa muối sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu của đất. Áp suất thẩm thấu và sức hút của rễ cây lớn hơn áp suất thẩm thấu và sức hút nước của đất thì sẽ làm cho cây không thể hút được nước. Lâu dần sẽ khiến cho cây bị khô, héo. Cây trồng không phát triển được sẽ làm ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch cũng như ảnh hưởng tới những vụ mùa tiếp theo. Cụ thể:
– Sự trao đổi chất của cây trồng sẽ bị ảnh hưởng.
– Sự tổng hợp Cytokinin bị ảnh hưởng. Cytokinin được tạo ra trong ngọn rễ cũng như trong hạt đang phát triển. Sau đó chúng được vận chuyển qua mô gỗ từ rễ lên thân.
– Rễ cây bị ức chế trong việc hút khoáng.
– Các chất hữu cơ trên lá không thể tích tụ được vào các cơ quan khác của cây.
– Tích tụ nhiều axit amin trong cây làm cho sự trao đổi chất bị rối loạn.
Các biện pháp cải tạo đất mặn
Biện pháp thủy lợi
Trong quá trình rửa trôi muối cho đất thì cần đến một lượng nước ngọt lớn để ngâm khu vực đất mặn. Do đó hệ thống thủy lợi chính là biện pháp cung cấp nước hiệu quả nhất cho đất. Đây cũng được coi là biện pháp cải tạo đất mặn quan trọng nhất.
Đất có đủ nước tưới tiêu sẽ giúp loại bỏ muối ra khỏi những vị trí nhiều muối. Bên cạnh đó nó còn giúp hạ thấp mực nước ngầm gây nguy hại cho rễ cây. Các phương pháp thủy lợi giúp giảm độ mặn của đất như sau:
– Ở các vùng gần biển có thể xây dựng các hệ thống đê điều để ngăn nước biển xâm nhập.
– Xây dựng đê điều hoặc sử dụng các bao nilon to để trữ nước, phục vụ tưới tiêu hàng ngày cho cây.
Việc này sẽ giúp cho cây có nguồn nước tưới đảm bảo. Tưới cây bằng nước ngọt nhiều cũng sẽ giúp rửa trôi bớt đi độ mặn trong đất. Lâu ngày sẽ cải thiện được đất trồng và từ đó giúp tăng năng suất cây trồng.
Biện pháp canh tác
– Sử dụng kỹ thuật canh tác thích hợp như: cày sâu không lật, thực hiện xới nhiều lần, cắt đứt mao quản có thể làm cho muối không bốc lên mặt ruộng.
– Cày sâu sẽ đưa các chất CaCO3, CaSO4 ở sâu trong đất lên phía trên mặt đất. Cày phá đáy sẽ làm tơi xốp tầng đất đáy.
– Tránh dùng nước mặn để tưới cho cây trồng bởi nó sẽ làm cho đất nhiễm mặn nhiều hơn.
– Đất nhiễm mặn khiến cho quá trình hút nước của rễ cây khó khăn. Để tránh sự bốc hơi nước của cây thì chúng ta nên tỉa cành, tạo tán và tỉa bớt hoa quả trong tình trạng này.
– Tăng cường bón phân đạm, kali vào trong đất để có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.
– Luân canh: Trên các vùng đất mặn, vùng sát biển thì có thể thực hiện luân canh bằng cách nuôi trồng thủy, hải sản. Tiếp theo đó là trồng cói và các cây chịu mặn. Cuối cùng là trồng lúa.
Biện pháp bón vôi
Bón vôi cho đất mặn có tác dụng cung cấp lượng canxi lớn giúp cho cây trồng có thể thải độc, làm giải phóng lượng ion natri có hại ra khỏi bề mặt của đất. Từ đó tăng khả năng chống chịu với điều kiện đất mặn của cây trồng. Các quá trình trao đổi chất và hút khoáng của cây cũng được diễn ra thuận lợi hơn.
Khi bón vôi thì người ta thường dùng các loại vôi hoặc lân có chứa canxi để giúp cải tạo đất. Lượng vôi bón để cải tạo đất còn tùy vào loại đất cũng như loại cây trồng:
- Độ pH nhỏ hơn 3,5 thì nên bón 2 – 5 tấn vôi/ha.
- Độ pH từ 3,5 – 4,5 thì nên bón 1 – 2 tấn vôi/ha.
- Độ pH từ 4.5 – 5.5 thì nên bón 0,5 – 1 tấn vôi/ha.
Đất mặn sau khi bón vôi một thời gian thì cần bón thêm các phân hữu cơ, phân xanh để có thể làm tăng độ mùn cho đất. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi phát triển. Đặc biệt, giúp giảm tỷ lệ sét và các chất có hại trong đất.
Biện pháp sinh học
Một trong những biện pháp cải tạo đất mặn chính là chọn và lai tạo các loại cây trồng, các giống cây có khả năng chịu mặn.
Các loại cây trồng chịu mặn ở Việt Nam như: đậu nành, ngô, củ cải đường, mãng cầu, dừa, xoài, cam….
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi liên quan đến đất mặn là gì cũng như cách cải tạo đất mặt. Hy vọng bài viết này giúp bạn có thêm được những kiến thức hay và bổ ích!