Phú quý sinh lễ nghĩa là câu thành ngữ phản ánh hiện thực khách quan diễn ra trong cuộc sống con người. Vậy phú quý sinh lễ nghĩa là gì? Bần cùng sinh đạo tặc là gì? Những chia sẻ dưới đây của kienthucmaymoc.com sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ và chi tiết hơn nhé!
Contents
Phú quý sinh lễ nghĩa là gì?
Để lý giải phú quý sinh lễ nghĩa là gì, ta sẽ đi cắt nghĩa các từ cấu thành như sau:
- Phú quý: Là sự giàu có, sang trọng, thể hiện qua các giá trị vật chất và tiền tài.
- Lễ nghĩa: Là cách cư xử, phép tắc, quy định của một tổ chức, một nhóm hoặc một quốc gia mà các thành viên cần phải tuân theo.
Phú quý sinh lễ nghĩa là câu nói ám chỉ khi cuộc sống vật chất của con người trở nên đầy đủ, sung túc thì mới chú trọng nhiều đến giá trị tinh thần, các lễ nghi để cuộc sống trở nên nhiều màu sắc và phong phú hơn. Đây là mối quan hệ tương quan giữa giá trị vật chất và tinh thần. Muốn có đời sống tinh thần phong phú và ý nghĩa thì chúng ta phải có tiềm lực kinh tế. Chỉ có kinh tế phát triển ổn định thì mới có điều kiện để chăm lo đời sống tinh thần.
Hãy thử tưởng tượng đến một người vô gia cư, không chốn nương thân, phải lo ăn từng bữa. Lúc này, cái họ mong muốn đơn giản chỉ là một bữa ăn no, một ngôi nhà để có thể che nắng, che mưa. Khi đã thỏa mãn các nhu cầu sinh lý thì các giá trị tinh thần, các lễ nghĩa mới được quan tâm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Phú quý sinh lễ nghĩa cũng được dùng với ý nghĩa tiêu cực. Thể hiện khi con người có của cải thì những nghi thức, nghi lễ không cần thiết bắt đầu xuất hiện. Có chút tiền, có chút điều kiện thì đua đòi, bày vẽ nhiều lễ nghĩa để hơn thua với người khác.
“Phú quý sinh lễ nghĩa” là quan điểm triết học nào? Duy vật hay duy tâm?
Câu thành ngữ Phú quý sinh lễ nghĩa mang quan điểm triết học duy vật. Quan điểm này được xây dựng dựa trên lập trường duy vật, đó là: vật chất là cái thứ nhất, tinh thần hay ý thức chỉ là cái thứ hai trong mọi tồn tại của thế giới.
Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc
Thực ra, câu nói đầy đủ được cha ông ta vẫn thường sử dụng là: “Giàu sang sinh phú quý, phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc, nghèo hèn sinh bần tiện”. Phú quý sinh lễ nghĩa là gì đã được mình chia sẻ rất rõ ở trên, vậy các vế còn lại mang ý nghĩa gì? Cùng tìm hiểu ngay nhé:
- Giàu sang sinh phú quý: Những người có tiền của ắt hẳn sẽ có cuộc sống giàu sang, túc túc, đủ đầy, không phải suy nghĩ nhiều về chuyện tiền bạc.
- Bần cùng sinh đạo tặc: Ám chỉ khi con người quá nghèo khổ, không có của ăn thì ắt hẳn sẽ sinh ra nhiều thói hư tật xấu. Những hành vi như ăn trộm, ăn cắp thường chỉ xảy ra khi con người quá nghèo khổ, quá đói nên sinh ra làm liều, làm những điều dại dột.
- Nghèo hèn sinh bần tiện: Khi cuộc sống con người quá nghèo khổ, phải lo bữa ăn qua ngày thì ắt hẳn họ sẽ sống rất hà tiện, không dám chi tiêu cho bất cứ thứ gì.
Qua đây có thể thấy rằng vật chất có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người. Cuộc sống vật chất đầy đủ thì đời sống tinh thần của con người mới được nâng cao, hạnh phúc, khiến con người sống có đạo đức và phẩm hạnh. Ngược lại, cuộc sống khó khăn có thể đẩy họ vào con đường bất chính.
Bàn luận về phú quý sinh lễ nghĩa
Xã hội ngày càng phát triển thì cuộc sống của con người được nâng cao hơn. Thu nhập tăng lên kéo theo nhu cầu hưởng thụ cũng rất lớn. Chúng ta không chỉ có nhu cầu ăn no – mặc ấm nữa mà phải ăn ngon – mặc đẹp. Những thứ vui trong cuộc sống ngày càng nhiều, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người.
“Phú quý sinh lễ nghĩa” – quan điểm này không sai hay khuyến khích một lối sống xa hoa, rườm rà và phức tạp mà do chúng ta đang hiểu sai ý nghĩa của chúng. Sự phú quý đã “đẻ ra” nhiều nghi thức không cần thiết, gây ra nhiều phiền toái cho cuộc sống của con người.
Các nghi lễ hình như đã đi “quá đà”. Ví dụ như con người có hàng ngàn lý do để tổ chức nhiều bữa tiệc đình đám như mừng nhà mới, mừng con đi học đại học, khánh thành nhà thờ tổ, mừng trẻ đầy cữ,…
Các đám cưới trước đây rất đơn giản với quy mô gia đình và bạn bè thiết. Nhưng bây giờ đám cưới phải lên đến hàng trăm mâm. Nhà này làm to nhưng nhà sau lại muốn được làm to hơn. Suy cho cùng vẫn là “con gà tức nhau tiếng gáy”, rồi cứ thế mà đua nhau.
Văn hóa truyền thống của người Việt ta không tổ chức lễ sinh nhật. Lễ mừng này được du nhập từ các nước phương Tây trong thời kỳ giao lưu văn hóa. Điều này vốn dĩ rất bình thường vì đây là một cách để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, lễ sinh nhật bây giờ không đơn thuần là bánh kem, nước ngọt hay những món quà lưu niệm. Thay vào đó là những bữa tiệc xa hoa, ăn uống, nhậu nhẹt hết công suất. Quà mừng phải là những món quà đắt tiền hay phong bì.
Hay như lễ mừng tân gia truyền thống chỉ đơn giản là làm mâm cơm cúng để thờ cúng tổ tiên, thổ địa sau khi về nhà mới. Nhưng ngày nay lễ tân gia trở thành dịp để gia chủ thể hiện độ chịu chơi của mình. Hàng trăm mâm cỗ với thịt thà, rượu chè ê chề, hát hò náo loạn cả khu dân cư.
Thậm chí, “phú quý sinh lễ nghĩa” còn trở thành “bình phong” để một số cá nhân trục lợi. Đút lót, chạy chọt tiền để vào biên chế thay vì thi cử phân minh. Không ít người dù không có điều kiện nhưng vẫn phải cố vay mượn để chạy theo phong trào rồi dẫn đến nợ nần, mâu thuẫn gia đình.
Phú quý sinh lễ nghĩa muốn hướng con người xây dựng đời sống tinh thần văn hóa và văn minh. Chúng ta có thể học hỏi các trào lưu từ bên ngoài nhưng phải tính toán đến sự phù hợp với khả năng của bản thân và những người xung quanh. Không nên bắt chước, đua đòi, chạy theo phong trào để rồi gây phiền phức cho chính mình.
Mong rằng qua bài viết trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ phú quý sinh lễ nghĩa là gì nhé! Hãy sống có văn hóa, làm những điều tốt đẹp, học hỏi nhiều cái mới nhưng vẫn phải giữ gìn các truyền thống văn hóa tốt đẹp và chuẩn mực đạo đức. Điều này sẽ giúp ta có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, cân bằng giữa giá trị vật chất và tinh thần, góp phần xây dựng xã hội giàu đẹp hơn!