Phân vi lượng là gì? Thành phần, công dụng và cách dùng đúng kĩ thuật

Cây trồng muốn sinh trưởng và phát triển tốt thì cần cung cấp đầy đủ các nguyên tố vi lượng, trung lượng và đa lượng. Chính vì vậy mà việc bón phân vi lượng là rất cần thiết cho cây. Vậy phân vi lượng là gì? Công dụng phân vi lượng? 

Phân vi lượng là gì?

Phân bón vi lượng chính là tổng hợp các chất hóa học cung cấp các nguyên tố vi lượng cho cây như kẽm, clo, đồng, mangan… Các nguyên tố này có ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Bởi nếu như thiếu vi lượng thì cây có thể bị còi cọc và chậm phát triển. Còn trong trường hợp mà cây bị thừa vi lượng sẽ dẫn đến cây bị nhiễm kim loại, gây ảnh hưởng đến chất lượng nông sản cũng như là sức khỏe của người sử dụng. Đặc biệt, một số nguyên tố vi lượng thiết yếu còn có thể tạo ra mùi đặc trưng của cây trồng.

Hình ảnh phân vi lượng
Hình ảnh phân vi lượng

Các loại phân vi lượng: Phân vi lượng được chia theo chất hóa học thì sẽ có 7 loại chính, bao gồm vi lượng đồng, vi lượng sắt, vi lượng Mangan, vi lượng kẽm, vi lượng Bo, vi lượng Molypden và vi lượng Clo.

Đặc điểm của phân bón vi lượng

Phân vi lượng thuộc nhóm phân nào? Phân vi lượng thuộc nhóm phân bón bổ sung và không thể thay thế cho phân đa lượng. Trong trường hợp mà dinh dưỡng đa lượng của cây đang bị mất cân bằng (thừa hoặc thiếu) thì việc sử dụng phân bón vi lượng sẽ không mang lại hiệu quả cao. Chính vì vậy mà phân vi lượng thường được sử dụng trong điều kiện thâm canh.

Phân bón hữu cơ có thể làm giảm nhu cầu về phân bón vi lượng cho cây. Bởi trong phân hữu cơ thường có chứa các loại vi lượng. Khi phân tán hủy thì sẽ tạo ra một lượng phân bón vi lượng tự nhiên cho cây trồng. Lúc này, chúng ta không cần phải bón quá nhiều phân cho cây.

Phân vi lượng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng
Phân vi lượng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng

Trong quá trình sử dụng vôi bón lót để làm cân bằng độ chua của đất thì có thể làm thiếu nguyên tố vi lượng cho cây trồng. Hầu hết thì các nguyên tố chuyển thành dạng khó tiêu nhiều hơn so với cây trồng, ngoại trừ nguyên tố Molipden chuyển thành dạng dễ tiêu nhiều hơn. Chính vì vậy mà chúng ta không cần phải bón quá nhiều Molipden.

Phân vi lượng có tác dụng gì?

Phân bón vi lượng chính là trợ thủ đắc lực cho hoạt động canh tác nông nghiệp. Bởi chúng giúp bổ sung chất vi lượng cần thiết cho cây trồng, ổn định độ PH cũng như kích thích ra rễ cực mạnh. Từ đó giúp cho cây có nền tảng tốt nhất để phát triển, góp phần tăng tốc độ vận chuyển các chất dinh dưỡng cho cây lớn nhanh và đồng đều. Ngoài ra thì phân bón vi lượng còn giúp tăng chất lượng của nông sản về độ dinh dưỡng, hình thức, vỏ bóng… và hạn chế tình trạng vàng lá, thối rễ.

Trong đó thì vai trò nhóm các nguyên tố kẽm, đồng, sắt, mangan, Bo, Molypden có ảnh hưởng lớn nhất đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Cụ thể như sau:

Nhóm các nguyên tố của phân vi lượng
Nhóm các nguyên tố của phân vi lượng

Nguyên tố Sắt (Fe)

Nguyên tố sắt đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành nên chất diệp lục, cung cấp chất oxi cho cây trồng phát triển.

Khi thiếu nguyên tố này thì toàn bộ cây sẽ chuyển dần sang màu vàng rồi sau đó biến thành trắng. Lá cây sẽ chuyển dần sang màu vàng hoặc màu trắng ở phần thịt lá còn gân lá thì vẫn còn xanh. Cây thiếu sắt sẽ xuất hiện triệu chứng đầu tiên ở lá non rồi sau nó chuyển dần sang lá già. Vì vậy chúng ta nên quan sát cẩn thận những lá mới mọc để có thể bổ sung sắt kịp thời cho cây trồng phát triển.

Nguyên tố kẽm (Zn)

Vai trò của kẽm trong cây trồng chính là thúc đẩy tổng hợp cytochrom và nucleotit, trao đổi auxin, tạo chất diệp lục, hoạt hóa men cũng như duy trì độ bền vững của tế bào.

Nguyên tố kẽm sẽ được tích lũy ở rễ cây nhưng cũng có thể dịch chuyển lên các bộ phận phía trên của cây. Khi thiếu kẽm thù cây trồng có hiện tượng biến dạng, ngắn nhỏ, quăn lá và các lá non có thể bị biến sang màu trắng hoặc màu vàng.

Nguyên tố đồng (Cu)

Nguyên tố đồng hỗ trợ cho cây hình thành chất diệp lục và đóng vai trò then chốt trong một số quá trình như: trao đổi đạm, protein, hormon, quá trình quang hợp và hô hấp, quá trình hình thành hạt phấn và thụ tinh.

Cây trồng nếu như bị thiếu đồng thì sẽ có triệu chứng là: lá rủ xuống, biến cong và cây sẽ không ra hoa được.

Nguyên tố mangan (Mn)

Mangan chính là nguyên tố tham gia vào phản ứng oxi-hóa khử của cây, giúp cho cây thải ra O2 trong quá trình quang hợp. Ngoài ra thì mangan còn có vai trò hoạt hóa một số phản ứng của cây trồng; đặc biệt đó là sự hình thành và ổn định lục lạp tổng hợp protein, khử nitrat thành NH4 trong tế bào.

Khi cây trồng thiếu mangan thì sẽ có hiện tượng lá non có màu vàng nhạt hoặc là màu da cam ở những vùng gần gốc cây.

Nguyên tố Bo (B)

Phân bón vi lượng nguyên tố Bo đóng vai trò quan trọng trong sự nảy mầm của hạt phấn, sự tăng trưởng của ống phấn cũng như sự hình thành của các tế bào và hạt giống.

Khi cây trồng bị thiếu nguyên tố Bo thì sẽ có hiện tượng cây đang sinh trưởng thì chết, lá cây cong và giòn, không thể nở hoa và cây bị còi cọc, xuất hiện đốm thẫm trên rễ hoặc là bị nứt ở phía dưới.

Nguyên tố Molipden

Nguyên tố Molipden này có vai trò trong quá trình tổng hợp và hoạt động của men khử Nitrat. Từ đó giúp cho các loài vi sinh vật cố định nitơ tự do, nitơ cộng sinh phát triển.

Khi cây trồng thiếu nguyên tố Molipden này sẽ xuất hiện triệu chứng là: lá dưới có đốm úa vàng, hoại tử mép lá và lá cây bị gập nếp…

Cách sử dụng phân vi lượng đúng kĩ thuật

Phân vi lượng đóng vai trò rất quan trọng đối với cây trồng nên việc bón phân vi lượng là điều rất cần thiết. Việc chúng ta bón thừa hay bón thiếu đều sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng. Vậy bón như nào mới đúng cách?

 Bón phân vi lượng bằng cách phun lên lá
Bón phân vi lượng bằng cách phun lên lá

Lưu ý khi sử dụng phân vi lượng: Việc bón phân vi lượng cần phải thực hiện theo 1 trong 3 cách như sau:

  • – Bón thẳng phân vị lượng vào đất.
  • – Trộn cùng với phân bón hoặc là ngâm hạt giống, hồ rẽ.
  • – Phun lên lá.

Thường thì việc bón phân vào đất ít được sử dụng bởi nó sẽ làm hao phí lượng phân. Từ đó khiến cho cây không thể hấp thụ đủ các nguyên tố vi lượng mà phân cung cấp.

Vì vậy tùy từng loại cây trồng, từng loại đất sử dụng mà chúng ta lựa chọn loại phân vi lượng sao cho phù hợp với cây trồng.

Đặc biệt, khi sử dụng phân vi lượng thì chúng ta nên lưu ý là với các loại cây ăn quả nhiều năm thì chỉ nên sử dụng phân 2 năm liền, sau đó cần ngừng 1 – 2 năm mới dùng lại. Nếu như cây hàng năm thì có thể sử dụng liên tục đến khi thấy phân không còn có hiệu quả nữa thì ngừng sử dụng.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi liên quan đến phân vi lượng là gì. Hy vọng sẽ giúp bạn nắm được những kiến thức cơ bản về loại phân này và đưa ra giải pháp bón phân hiệu quả cho cây trồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *